Thursday, October 29, 2015

Tagged under:

Chương V. SỔ KẾ TOÁN VÀ HÌNH THỨC KẾ TOÁN

Chương V

SỔ KẾ TOÁN VÀ HÌNH THỨC KẾ TOÁN

Điều 122. Sổ kế toán

1. Sổ kế toán dùng để ghi chép, hệ thống và lưu giữ toàn bộ các nghiệp vụ kinh tế, tài chính đã phát sinh theo nội dung kinh tế và theo trình tự thời gian có liên quan đến doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp chỉ có một hệ thống sổ kế toán cho một kỳ kế toán. Doanh nghiệp phải thực hiện các quy định về sổ kế toán trong Luật Kế toán, Nghị định số 129/2004/NĐ-CP ngày 31/5/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kế toán trong lĩnh vực kinh doanh, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Luật kế toán.
2. Doanh nghiệp được tự xây dựng biểu mẫu sổ kế toán cho riêng mình nhưng phải đảm bảo cung cấp thông tin về giao dịch kinh tế một cách minh bạch, đầy đủ, dễ kiểm tra, dễ kiểm soát và dễ đối chiếu. Trường hợp không tự xây dựng biểu mẫu sổ kế toán, doanh nghiệp có thể áp dụng biểu mẫu sổ kế toán theo hướng dẫn tại phụ lục số 4 Thông tư này nếu phù hợp với đặc điểm quản lý và hoạt động kinh doanh của mình.
3. Tùy theo đặc điểm hoạt động và yêu cầu quản lý, doanh nghiệp được tự xây dựng hình thức ghi sổ kế toán cho riêng mình trên cơ sở đảm bảo thông tin về các giao dịch phải được phản ánh đầy đủ, kịp thời, dễ kiểm tra, kiểm soát và đối chiếu. Trường hợp không tự xây dựng hình thức ghi sổ kế toán cho riêng mình, doanh nghiệp có thể áp dụng các hình thức sổ kế toán được hướng dẫn trong phụ lục số 4 Thông tư này để lập Báo cáo tài chính nếu phù hợp với đặc điểm quản lý và hoạt động kinh doanh của mình.

Điều 123. Trách nhiệm của người giữ và ghi sổ kế toán

Sổ kế toán phải được quản lý chặt chẽ, phân công rõ ràng trách nhiệm cá nhân giữ và ghi sổ. Sổ kế toán giao cho nhân viên nào thì nhân viên đó phải chịu trách nhiệm về những điều ghi trong sổ và việc giữ sổ trong suốt thời gian dùng sổ. Khi có sự thay đổi nhân viên giữ và ghi sổ, kế toán trưởng phải tổ chức việc bàn giao trách nhiệm quản lý và ghi sổ kế toán giữa nhân viên cũ và nhân viên mới. Biên bản bàn giao phải được kế toán trưởng ký xác nhận.

Điều 124. Mở, ghi sổ kế toán và chữ ký

1. Mở sổ
Sổ kế toán phải mở vào đầu kỳ kế toán năm. Đối với doanh nghiệp mới thành lập, sổ kế toán phải mở từ ngày thành lập. Người đại diện theo pháp luật và kế toán trưởng của doanh nghiệp có trách nhiệm ký duyệt các sổ kế toán. Sổ kế toán có thể đóng thành quyển hoặc để tờ rời. Các tờ sổ khi dùng xong phải đóng thành quyển để lưu trữ. Trước khi dùng sổ kế toán phải hoàn thiện các thủ tục sau:
- Đối với sổ kế toán dạng quyển: Trang đầu sổ phải ghi tõ tên doanh nghiệp, tên sổ, ngày mở sổ, niên độ kế toán và kỳ ghi sổ, họ tên, chữ ký của người giữ và ghi sổ, của kế toán trưởng và người đại diện theo pháp luật, ngày kết thúc ghi sổ hoặc ngày chuyển giao cho người khác. Sổ kế toán phải đánh số trang từ trang đầu đến trang cuối, giữa hai trang sổ phải đóng dấu giáp lai của đơn vị kế toán.
- Đối với sổ tờ rời: Đầu mỗi sổ tờ rời phải ghi rõ tên doanh nghiệp, số thứ tự của từng tờ sổ, tên sổ, tháng sử dụng, họ tên người giữ và ghi sổ. Các tờ rời trước khi dùng phải được giám đốc doanh nghiệp hoặc người được uỷ quyền ký xác nhận, đóng dấu và ghi vào sổ đăng ký sử dụng sổ tờ rời. Các sổ tờ rời phải được sắp xếp theo thứ tự các tài khoản kế toán và phải đảm bảo sự an toàn, dễ tìm.
2. Ghi sổ: Việc ghi sổ kế toán phải căn cứ vào chứng từ kế toán đã được kiểm tra bảo đảm các quy định về chứng từ kế toán. Mọi số liệu ghi trên sổ kế toán bắt buộc phải có chứng từ kế toán hợp pháp, hợp lý chứng minh.
3. Khoá sổ: Cuối kỳ kế toán phải khoá sổ kế toán trước khi lập Báo cáo tài chính. Ngoài ra phải khoá sổ kế toán trong các trường hợp kiểm kê hoặc các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
4. Đối với người ghi sổ thuộc các đơn vị dịch vụ kế toán phải ký và ghi rõ Số chứng chỉ hành nghề, tên và địa chỉ Đơn vị cung cấp dịch vụ kế toán. Người ghi sổ kế toán là cá nhân hành nghề ghi rõ Số chứng chỉ hành nghề.

Điều 125. Sửa chữa sổ kế toán

1. Khi phát hiện sổ kế toán của kỳ báo cáo có sai sót thì phải sửa chữa bằng phương pháp phù hợp với quy định của Luật kế toán.
2. Trường hợp phát hiện sai sót trong các kỳ trước, doanh nghiệp phải điều chỉnh hồi tố theo quy định của chuẩn mực kế toán “Thay đổi chính sách kế toán, ước tính kế toán và các sai sót”.

Điều 126. Chuyển đổi số dư trên sổ kế toán

1. Doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số dư các tài khoản sau:
- Số dư chi tiết về vàng, bạc, kim khí quý, đá quý đang phản ánh trên TK 1113 và 1123 được chuyển đổi như sau:
+ Giá trị vàng (loại không được coi là vàng tiền tệ), bạc, kim khí quý, đá quý được sử dụng là hàng tồn kho được chuyển sang phản ánh trên các tài khoản có liên quan về hàng tồn kho, như: TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu hoặc TK 156 - Hàng hóa theo nguyên tắc phù hợp với mục đích sử dụng và phân loại tại doanh nghiệp;
+ Giá trị vàng (loại không được coi là vàng tiền tệ), bạc, kim khí quý, đá quý không được sử dụng là hàng tồn kho được chuyển sang phản ánh trên TK 2288 - Đầu tư khác;
- Số dư các khoản trái phiếu, tín phiếu, kỳ phiếu nắm giữ đến ngày đáo hạn, không nắm giữ vì mục đích kinh doanh (mua vào để bán ra với mục đích kiếm lời qua chênh lệch giá mua, bán) đang phản ánh trên TK 1212 đầu tư chứng khoán ngắn hạn được chuyển sang TK 128 - Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (chi tiết cho từng TK cấp 2);
- Số dư các khoản cho vay, tiền gửi có kỳ hạn dài hạn đang phản ánh trên TK 228 – Đầu tư dài hạn khác được chuyển sang TK 128 - Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (chi tiết cho từng TK cấp 2);
- Giá trị của hàng hóa bất động sản do doanh nghiệp xây dựng, sản xuất, đang theo dõi trên TK 1567 - Hàng hóa bất động sản được chuyển sang theo dõi trên tài khoản 1557 - Thành phẩm bất động sản. TK 1567 chỉ phản ánh những bất động sản do doanh nghiệp mua vào để bán ra như những loại hàng hóa khác.
- Số dư TK 142 - Chi phí trả trước ngắn hạn được chuyển sang TK 242 – Chi phí trả trước;
- Số dư TK 144 Cầm cố, ký quỹ, ký cược ngắn hạn được chuyển sang TK 244 – Cầm cố, thế chấp, ký quỹ, ký cược;
- Số dư các khoản dự phòng đang phản ánh trên các TK 129, 139, 159 được chuyển sang TK 229 - Dự phòng tổn thất tài sản (chi tiết cho từng TK cấp 2 phù hợp với nội dung dự phòng);
- Giá trị bất động sản do doanh nghiệp đầu tư, xây dựng (không phải mua vào để bán ra như hàng hóa) đang phản ánh là hàng hóa bất động sản trên TK 1567 được chuyển sang Tài khoản 1557 - Thành phẩm bất động sản;
- Số dư các khoản đầu tư vào công ty liên kết đang phản ánh trên TK 223 được chuyển sang TK 222 - Đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết;
- Số dư TK 311 - Nợ ngắn hạn, TK 315 - Nợ dài hạn đến hạn trả, TK 342 - Nợ dài hạn chuyển sang TK 341 - Vay và nợ thuê tài chính;
- Khoản trích trước chi phí sửa chữa, duy trì cho TSCĐ hoạt động bình thường (đối với những TSCĐ theo yêu cầu kỹ thuật phải sửa chữa định kỳ), chi phí hoàn nguyên môi trường, hoàn trả mặt bằng và các khoản có tính chất tương tự đang phản ánh trên TK 335 – Chi phí phải trả được chuyển sang TK 352 – Dự phòng phải trả (chi tiết TK 3524);
- Số dư TK 415 - Quỹ dự phòng tài chính chuyển sang TK 414 - Quỹ đầu tư phát triển;
2. Các nội dung khác đang phản ánh chi tiết trên các tài khoản có liên quan nếu trái so với Thông tư này thì phải điều chỉnh lại theo quy định của Thông tư này.

Điều 127. Điều khoản hồi tố

1. Các doanh nghiệp là chủ đầu tư bất động sản (kể cả trường hợp tự thi công bất động sản) đã ghi nhận doanh thu đối với số tiền thu trước của khách hàng theo tiến độ, nếu công trình chưa hoàn thành trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thì phải sửa chữa sai sót do đã ghi nhận doanh thu và hồi tố Báo cáo tài chính theo quy định của Chuẩn mực kế toán Việt Nam “Thay đổi chính sách kế toán, ước tính kế toán và các sai sót”.
2. Các doanh nghiệp đã ghi nhận doanh thu đối với khoản cổ tức, lợi nhuận được chia đã sử dụng để đánh giá lại giá trị khoản đầu tư khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá phải điều chỉnh hồi tố Báo cáo tài chính để phản ánh khoản cổ tức, lợi nhuận được chia đó ghi giảm giá trị khoản đầu tư.
3. Doanh nghiệp không tiếp tục trích khấu hao đối với Bất động sản đầu tư nắm giữ chờ tăng giá và không phải hồi tố toàn bộ chi phí khấu hao lũy kế đã trích từ các kỳ trước.
4. Doanh nghiệp báo cáo lại thông tin so sánh trên Báo cáo tài chính đối với các chỉ tiêu có sự thay đổi giữa Thông tư này và Chế độ kế toán doanh nghiệp ban hành theo quyết định số15/2006/QĐ-BTC ngày 20/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và thuyết minh lí do là có sự thay đổi trong Chế độ kế toán doanh nghiệp.
Điều 128. Thông tư này có hiệu lực áp dụng sau 45 ngày kể từ ngày ký và áp dụng cho năm tài chính bắt đầu hoặc sau ngày 1/1/2015. Những quy định trái với Thông tư này đều bãi bỏ. Thông tư này thay thế cho Chế độ kế toán doanh nghiệp ban hành theo Quyết định số 15/2006/QĐ-BTCngày 20/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thông tư số 244/2009/TT-BTC ngày 31/12/2009 của Bộ Tài chính. Những nội dung tại các Thông tư hướng dẫn Chuẩn mực kế toán Việt Nam không trái với Thông tư này vẫn còn hiệu lực.
Trước khi Chuẩn mực kế toán về công cụ tài chính và các văn bản hướng dẫn thực hiện Chuẩn mực kế toán công cụ tài chính được ban hành, khuyến khích (nhưng không bắt buộc) đơn vị trình bày và thuyết minh về công cụ tài chính theo quy định của Thông tư số 210/2009/TT-BTC ngày 6/11/2009 của Bộ Tài chính Hướng dẫn áp dụng Chuẩn mực kế toán quốc tế về trình bày Báo cáo tài chính và thuyết minh thông tin đối với công cụ tài chính.
Điều 130. Các Bộ, ngành, Uỷ ban Nhân dân, Sở Tài chính, Cục Thuế các Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm triển khai hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện Thông tư này. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết./.

0 comments:

Post a Comment